Bức xúc, thất vọng với việc một thương hiệu nổi tiếng lại đi buôn hàng Tàu gắn mác Việt? Ngán ngẩm với tình trạng đến bất cứ điểm du lịch nào trong nước cũng nhan nhản những thứ hàng lưu niệm na ná nhau, chẳng mang tí bản sắc nào của địa phương, thậm chí có vùng chỉ cần nhìn mấy món hàng lưu niệm là biết ngay nó được sản xuất từ bên kia biên giới. Trong khi đó, ai đã đến Nhật, đến Indonesia chẳng hạn đều sẽ thích thú với những món hàng lưu niệm mang đầy chất bản địa không lẫn vào đâu được.
Một thời, người ta chạy theo những cái hào nhoáng, bỏ bê những giá trị bản địa. Người ta ca ngợi truyền thống, nhưng đó là những thứ truyền thống sáo mòn, kiểu như những diễn viên mặc áo dài hay áo bà ba phất cờ, chạy chạy trên sân khấu, thỉnh thoảng lại vô cớ đá chân lên một cái (nói theo cách nói vui của Đỗ Trung Quân), trong khi lại lơ là, xem thường những giá trị bản địa. Mà không có cái bản địa, làm gì có cái bản sắc thực sự là bản sắc?
Cái bản địa, cái bản sắc thực sự không chỉ là những vật thể như những bộ cồng chiêng Tây Nguyên hay gốm Bàu Trúc, lãnh Mỹ A vốn đã mai một và nay đang được những nghệ nhân có tấm lòng với văn hóa bản địa tìm cách khôi phục, mà còn là những giá trị phi vật thể như tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát... Những giá trị phi vật thể mang tính bản địa đó cũng rất cần được sưu tầm, tập hợp, khai thác, làm sống lại, giới thiệu với công chúng, làm cho chúng có một đời sống mới.
Trong chiều hướng đó, chương trình nghệ thuật mang tên "ĐÊM VÔ THỨC BẢN ĐỊA", giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony, thuộc dự án S.E.A Sound - Giai đoạn 1 tại Việt Nam 2017, thật đáng ủng hộ. Với buổi diễn duy nhất do công ty nghệ thuật Lune Production và Nhà Hát Lớn Hà Nội phối hợp tổ chức vào lúc 20h ngày 12/12/2017 tới đây tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, "ĐÊM VÔ THỨC BẢN ĐỊA" quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng miền trên cả nước, cùng hoà tấu những âm thanh độc đáo và đặc sắc của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống Paranung, trống Gineng, đàn đó, ... cũng như những làn điệu, bài ca được hát lên đầy tâm tư, tình cảm.
Theo Ban tổ chức, để tổ chức "ĐÊM VÔ THỨC BẢN ĐỊA" và kiến thiết dàn nhạc Seaphony, trong năm 2017, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, cùng các nghệ sĩ, cộng sự tâm huyết đã đi đến các bản làng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, đến với buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, Hmông, Lào, M'nong, Ede, Jarai, Sê Đăng, ...
Qua đó, lần lượt "Đêm Vô Thức Tây Bắc" (31/03), "Đêm Vô Thức Tây Nguyên" (30/06) và "Đêm Vô Thức Chăm" (30/09) đã diễn ra tại Phù Sa Lab để giới thiệu khí nhạc tiêu biểu của từng vùng miền qua các tiểu phẩm thể nghiệm. Các "Đêm Vô Thức" trên đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng như đông đảo khán giả đến theo dõi.
Nói thêm, con gái tôi, Đoàn Thiên Hương sau thời gian làm giám đốc sáng tạo cho một số công ty quảng cáo đã chán ngấy cái nghề ấy và bỏ qua làm truyền thông cho Lune Production, công ty chủ trì dự án Seaphony, đã dựng những vở như Làng tôi, À Ố show, Teh Dar. Nhưng đó không phải là lý do chính để tôi cổ vũ cho dự án này. Cái chính là, càng hội nhập kinh tế, càng tham gia vào toàn cầu hóa, càng phải chăm chút và giữ lấy những giá trị bản địa, những thứ là bản sắc thực sự của một quốc gia. Bằng không, chúng ta sẽ có gì để góp với nhân loại?
Và, cũng như nhiều năm trước tôi đã ủng hộ Hạn hán và Cơn mưa của Ea Sola, vở múa đã đưa những bà nông dân châu thổ sông Hồng lên sân khấu thế giới, giờ tôi cũng nhiệt thành ủng hộ ĐÊM VÔ THỨC BẢN ĐỊA, SEAPHONY, S.E.A.SOUND.của Nhất Lý và những nghệ sĩ dân gian của chúng ta
0 nhận xét:
Đăng nhận xét