Tội ác trên đầu
Có một điều hiển nhiên thế này, nếu tội ác không bị trừng trị, kẻ thủ ác không bao giờ biết chùn tay. Chúng ta có đang vô tâm không? chúng ta có đang dửng dưng trước những bất công, trước sự vô lương, trước thói tham tàn, phá nát dày xéo và đổ lên đầu những người dân vô tội. Chúng ta đang sống với tội ác treo lơ lửng, chực chờ ập xuống.
Chỉ trong một khoảnh khắc, khi cái "hồ bơi" kia vỡ tung, toàn bộ cả gia đình 4 người đang đầm ấm quây quần, đã ra đi, không một lời trăn trối. Có khi, không hiểu nổi tại sao mình lại gánh chịu cơn thịnh nộ này, gánh chịu tội ác của kẻ khác.
Báo chí như thường lệ vẫn cứ tập trung đưa tin vào nỗi đau, mất mát, bi thương, với những "khóc ngất", "tan hoang", "xé lòng" ... Nhưng lại ít nhắc đến trách nhiệm của những người phải chịu trách nhiệm.
Chính quyền trong một buổi chiều loang lổ đã trả lời báo chí phơn phớt dửng dưng, rằng "không biết có cái hồ đó". Chúng ta lớn hết rồi, đừng diễn kịch với nhau hoài, nó bệnh hoạn lắm. Xây cái nhà vệ sinh, đổ đống cát trước cửa, các anh còn biết, đây là khoét núi, ngăn dòng. Nó là chuyện tày trời, là quả bom treo trên đầu dân chúng, mà các anh không biết thì trả lương cho các anh làm gì, hỡi những công bộc của dân, tiêu tiền thuế của dân.
Cả một dây chuyền khép kín, từ thằng xây đến cơ quan cấp phép, đến đội thanh kiểm tra, dắt tay nhau cùng tiến nhịp nhàng. Những đơn thư chữ ký trên bàn và những phong bì dấm dúi dưới gầm bàn. Chỉ có đau buồn, khổ sở cùng cực là dân chịu, coi như là chuyện hên xui, chuyện số phận.
Đã qua rồi cái thời "trách nhiệm tập thể", nhất định phải có ai chịu trách nhiệm cho những tội ác này, phải bị trừng trị đúng như phải bị. Để không phải cứ mỗi năm đến mùa mưa lũ lại thương tiếc và rút kinh nghiệm đều đều. Rút củi bỏ vào lò ấy, đừng rút sợi dây kinh nghiệm nữa.
Bui An